Tư vấn ngay!
Tư vấn ngay!
Chuyển đến nội dung chính Chuyển đến nội dung thông báo
Trở về

Nên ăn gì để diệt vi khuẩn HP trong dạ dày?

Vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày, thậm chí dẫn đến ung thư dạ dày. Bên cạnh việc dùng thuốc, sử dụng các thực phẩm tiêu diệt vi khuẩn HP cũng là lựa chọn của nhiều bệnh nhân. Vậy nên ăn gì để diệt vi khuẩn HP hữu hiệu trong dạ dày?

1. Mức độ nguy hiểm của vi khuẩn HP 

Vi khuẩn HP (có tên đầy đủ là Helicobacter Pylori) được tìm thấy lần đầu ở trong dạ dày con người vào năm 1982. Vi khuẩn HP chủ yếu sinh sống trong dạ dày. Loại vi khuẩn này là nguyên nhân chính gây các bệnh mạn tính ở dạ dày, có thể dẫn tới viêm loét hoặc ung thư dạ dày. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, vi khuẩn HP cũng có thể gây nhiều biến chứng phức tạp đối với cơ thể con người.

Về đường lây truyền, vi khuẩn HP có thể lây trực tiếp qua tuyến nước bọt như theo đường ăn uống chung với người cùng sinh hoạt trong một môi trường. Ngoài ra, vi khuẩn HP cũng có thể lây nhiễm qua thức ăn, nước uống có chứa vi khuẩn này.

Theo thống kê, ở Việt Nam có tới hơn 80% bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP nhưng không có triệu chứng cụ thể. Hầu hết người bệnh chỉ phát hiện bị nhiễm HP khi đã có những biểu hiện rõ ràng của các bệnh viêm cấp tính dạ dày, loét dạ dày, loét tá tràng,...

2. Ăn gì để diệt vi khuẩn HP?

Chế độ ăn có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình tiêu hóa và cả hệ vi sinh trong đường ruột. Nhiều hoạt chất có trong các loại thực phẩm có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn HP, từ đó hỗ trợ điều trị hiệu quả các bệnh ở đường tiêu hóa. Vậy bệnh nhân nên ăn gì để diệt vi khuẩn HP?

Rau củ và trái cây

Trái cây và rau củ rất tốt đối với người bị nhiễm khuẩn HP do nhóm thực phẩm này rất giàu vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa. Nhóm thực phẩm này có tác dụng chữa lành các tổn thương, bảo vệ niêm mạc dạ dày và hạn chế tối đa sự phát triển của vi khuẩn. Đồng thời, chúng còn hỗ trợ cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa và tăng cường sức khỏe của hệ thống miễn dịch.

Do đó, người bị nhiễm khuẩn HP nên ăn nhiều rau củ và các loại trái cây không chứa nhiều axit như táo, dâu tây, anh đào, việt quất, quả mâm xôi,... Các loại quả mọng có chứa nhiều chất chống oxy hóa như resveratrol, acid ellagic,.... Các chất này có tác dụng kiểm soát tốt các gốc tự do, làm giảm sự hoạt động và sinh sôi của vi khuẩn HP và có tác dụng tích cực trong hoạt động chống viêm.

Bên cạnh đó, bệnh nhân nhiễm HP cũng nên sử dụng nhiều hơn bông cải xanh, bông cải trắng và bắp cải vì các loại rau này có chứa chất isothiocyanates với công dụng tuyệt vời trong việc chống lại vi khuẩn HP, làm giảm sự lây lan của HP trong ruột và ngăn ngừa ung thư. Không chỉ vậy, các loại rau này còn rất dễ tiêu hóa, có thể làm giảm đau dạ dày trong quá trình điều trị bệnh. Đó là lý do mỗi ngày người bị nhiễm khuẩn HP nên ăn khoảng 70g bông cải xanh trở lên.

Thực phẩm bổ sung lợi khuẩn probiotics

Bên trong đường ruột của con người tồn tại 1 hệ vi sinh đa dạng với hơn 85% lợi khuẩn. Việc bổ sung các vi sinh vật có lợi sẽ giúp ức chế sự phát triển quá mức của các vi khuẩn có hại (trong đó có vi khuẩn HP). Không chỉ vậy, các vi sinh vật có lợi còn giúp tạo ra axit lactic, hydrogen peroxide cùng các hợp chất kháng khuẩn, giúp làm giảm số lượng của các loại vi khuẩn có hại. Vì vậy, nếu thắc mắc nên ăn gì để diệt vi khuẩn HP thì người bệnh không nên bỏ qua nhóm thực phẩm bổ sung lợi khuẩn.

Người bệnh có thể bổ sung lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa thông qua thực phẩm hoặc sử dụng men vi sinh. Các loại thực phẩm giàu lợi khuẩn và tốt cho sức khỏe hệ tiêu hóa nên được bổ sung vào thực đơn ăn uống của các gia đình là: Sữa chua, súp miso, kim chi, dưa cải, trà kombucha, một số loại pho mát,... Việc đưa các thực phẩm này vào chế độ ăn uống không chỉ giúp hỗ trợ điều trị tình trạng nhiễm khuẩn HP mà còn làm giảm tình trạng bụng chướng, đầy hơi, tiêu chảy,...

Nhiều người cho rằng thực phẩm lên men như dưa muối, kim chi không tốt cho người mắc bệnh dạ dày vì dễ khiến vết viêm loét nặng hơn. Tuy nhiên, nhóm thực phẩm này lại được chứng minh là có hiệu quả rất tốt trong hỗ trợ điều trị tình trạng nhiễm khuẩn HP và ngăn ngừa tái nhiễm sau điều trị. Các bệnh nhân bị viêm loét dạ dày do HP đang dùng kháng sinh được cân nhắc bổ sung men vi sinh hằng ngày nhằm làm tăng hiệu quả điều trị và làm giảm tác dụng phụ của thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ để chọn được loại thực phẩm và men vi sinh phù hợp.

Trà xanh và mật ong

Nếu thắc mắc ăn gì để diệt vi khuẩn HP, người bệnh nên sử dụng trà xanh và mật ong. Đây là các loại thức uống rất giàu chất chống oxy hóa và có đặc tính kháng khuẩn tốt. Bên cạnh đó, trong trà xanh còn có chứa nhiều polyphenol - giúp chống lại tình trạng stress oxy hóa và các loại vi khuẩn gây bệnh như H. pylori, candida albicans, E. coli, Staphylococcus aureus,... Kết quả của 1 nghiên cứu được thực hiện vào tháng 5/2015 cho thấy: Người uống trà xanh và mật ong 1 lần/ngày trong 1 tuần có tỷ lệ dương tính với HP thấp hơn so với nhóm người không uống loại đồ uống này.

Thực phẩm giàu chất béo không bão hòa đa

Để tiêu diệt vi khuẩn HP trong dạ dày hiệu quả, người bệnh còn nên ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm giàu chất béo tốt (chất béo không bão hòa đa Omega - 3, Omega - 6) như:

  • Dầu oliu nguyên chất, dầu hạt cải, dầu hướng dương;
  • Các loại cá béo: Cá thu, cá hồi, cá ngừ;
  • Các loại hạt dinh dưỡng: Hạt chia, óc chó, hạnh nhân, hạt hướng dương,...

Các thực phẩm trên có tác dụng loại bỏ vi khuẩn HP, phục hồi niêm mạc của dạ dày và làm giảm nguy cơ loét dạ dày - tá tràng. Ngoài ra, chất béo không bão hòa đa còn tốt cho tim mạch, có tác dụng chống viêm và làm giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh viêm khớp.

3. Người bị nhiễm khuẩn HP không nên ăn gì?

Bên cạnh việc tìm hiểu nên ăn gì để diệt vi khuẩn HP, bệnh nhân cũng cần nắm được nên tránh ăn gì khi nhiễm loại vi khuẩn này để tránh nguy cơ vi khuẩn phát triển quá mức và dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm. Sau đây là một số thực phẩm mà người đang nhiễm vi khuẩn HP cần tránh:

  • Thực phẩm có chứa caffeine như socola, cà phê, trà đen,... do dễ gây kích ứng lên niêm mạc dạ dày, làm dạ dày nóng rát, khó chịu;
  • Các loại trái cây có chứa nhiều axit như cam, chanh, dứa,... có thể làm tăng axit trong dạ dày và tăng nguy cơ viêm loét;
  • Thực phẩm cay nóng có thể làm tăng nguy cơ loét dạ dày, suy yếu khả năng tiêu hóa, tăng tiết axit dịch vị, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn HP phát triển;
  • Thức ăn mặn do muối có thể làm thay đổi tính chất của lớp màng nhầy bảo vệ dạ dày, khiến vi khuẩn HP dễ xâm nhập vào lớp niêm mạc trong dạ dày;
  • Các loại đồ uống có cồn như bia, rượu,... có thể gây nguy hại trực tiếp tới dạ dày, khiến các vết loét dạ dày lan rộng, làm tăng nguy cơ diễn tiến thành ung thư;
  • Đồ chiên rán nhiều dầu mỡ khó tiêu hóa, khiến dạ dày phải làm việc nhiều hơn, dẫn tới tình trạng chướng bụng, đầy hơi và ảnh hưởng tới quá trình phục hồi niêm mạc dạ dày;
  • Thịt chế biến và thực phẩm đóng hộp có chứa nhiều chất bảo quản và phụ gia hóa học, có thể kích ứng dạ dày - ruột và làm tăng nặng tình trạng viêm nhiễm.

Bài viết đã trang bị thêm cho người bệnh kiến thức bổ ích về việc nên ăn gì để diệt vi khuẩn HP trong dạ dày và những loại thực phẩm cần hạn chế. Người bệnh cần xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh để ức chế và tiêu diệt vi khuẩn HP, tránh nguy cơ gặp phải những biến chứng khó lường như viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày,...

 

Theo Vinmec

Trung tâm dịch vụ khách hàng

Thứ 2 - Thứ 6 từ 8:00 đến 21:00 (trừ ngày nghỉ lễ, Tết)

Email: khachhang@manulife.com

Phí cuộc gọi là 1.000đ/ phút tính từ thời điểm kết nối đến tổng đài

Trung tâm dịch vụ khách hàng

Thứ 2 - Thứ 6 từ 8:00 đến 21:00 (trừ ngày nghỉ lễ, Tết)

Email: khachhang@manulife.com

Phí cuộc gọi là 1.000đ/ phút tính từ thời điểm kết nối đến tổng đài

Đăng ký ngay để được Manulife liên hệ tư vấn miễn phí

  • Tôi xác nhận rằng tôi đã đọc, hiểu và đồng ý cho phép Công ty thu thập, sử dụng và xử lý dữ liệu cá nhân của tôi / chúng tôi theo các quy định tại Chính sách bảo mật thông tin và đồng ý với các nội dung tại Điều Khoản Sử Dụng của Công ty, đồng thời đồng ý chịu sự ràng buộc bởi các quy định của Chính sách, Điều khoản này.

  • Đây là một lĩnh vực cần thiết