Bỏ bữa, ăn mặn, đồ ăn nhiều dầu mỡ là những thói quen không tốt cho sức khỏe, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP – nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày.
Sau đây là những thói quen sinh hoạt, ăn uống gây hại cho dạ dày:
Nhịn ăn sáng
Nhiều người bỏ bữa sáng lâu ngày thành thói quen, dạ dày quen dần và không còn cả cảm giác đói nhưng thực tế niêm mạc vẫn âm thầm bị tổn thương. Nếu không ăn sáng, dạ dày trống rỗng trong khi dịch vị vẫn bài tiết liên tục khiến lượng axit tăng cao, độ pH dạ dày thấp, kích thích co bóp.
Thức khuya
Buổi tối là khoảng thời gian dạ dày nghỉ ngơi hỗ trợ phục hồi và tái tạo các tế bào niêm mạc. Thức khuya kèm tâm trạng lo lắng, căng thẳng khiến cơ quan này tăng tiết dịch vị, dẫn đến buồn nôn, chướng bụng, đau quặn bụng.
Lạm dụng thực phẩm cay nóng, ăn quá mặn, nhiều dầu mỡ
Capsaicin có trong ớt làm niêm mạc thực quản, dạ dày và ruột sưng tấy, khiến bệnh trầm trọng hơn.
Thực phẩm nhiều dầu mỡ chứa lượng chất béo cao khó tiêu hóa, là tác nhân gây chướng bụng, chậm tiêu, đầy hơi, buồn nôn ở người bệnh viêm loét dạ dày.
Chế độ ăn mặn nhiều muối có thể ảnh hưởng dạ dày, nhất là ở người nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP). Nó cũng kích thích viêm trên thành dạ dày khiến cơ quan này nhạy cảm hơn, tăng khả năng hình thành khối u ác tính.
Uống nhiều rượu, bia, đồ uống chứa cồn
Đồ uống này kích thích dạ dày tiết nhiều axit hơn. Sử dụng rượu bia quá nhiều hoặc trong thời gian dài gây kích ứng và tổn thương niêm mạc dạ dày, ruột, làm chậm quá trình liền ổ loét, từ đó gây ra các biến chứng chảy máu.
Hút thuốc lá, thuốc lào
Khói thuốc lá có hơn 7.000 thành phần độc chất, trong đó có đến 60 loại tác nhân sinh đột biến và ung thư. Các hóa chất này gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa như thực quản, dạ dày, làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP, dẫn đến tổn thương viêm mạn tính, hình thành các ổ loét, nguy cơ ung thư thực quản, dạ dày.
Lạm dụng thuốc
Các loại thuốc giảm đau, chống viêm được sử dụng phổ biến và dễ dàng mua tại các hiệu thuốc. Các thuốc này làm giảm các yếu tố bảo vệ, chất nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày, dẫn đến tổn thương, kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa.
Khi hàng rào bảo vệ bị suy yếu, các yếu tố gây hại khác như vi khuẩn HP dễ dàng tấn công làm dạ dày tổn thương, viêm loét.
Căng thẳng trong thời gian dài
Làm việc quá sức khiến cơ thể kiệt sức, giảm sức đề kháng, chức năng bảo vệ của niêm mạc yếu dần. Căng thẳng liên tục kéo dài gây rối loạn cơ chế hệ thần kinh ở dạ dày, giảm nhu động, lưu lượng máu và chất nhầy.
Cách phòng tránh nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP
Thay đổi lối sống sinh hoạt một cách lành mạnh sẽ góp phần tăng “đề kháng” cho dạ dày của bạn và người thân. Để phòng tránh triệu chứng tiến triển nặng, bạn cần:
- Hạn chế tối đa các thực phẩm có chứa nhiều muối (NaCl) và các gia vị/phụ gia có gốc Na như thịt nguội, mì gói, bánh snack (bim bim), các loại sốt chế biến sẵn, phô mai, cá khô, các loại đậu hạt rang muối.....
- Giảm lượng muối và gia vị nêm nếm từ từ trong mỗi bữa ăn
- Tập thói quen không chấm nhiều loại nước chấm trong bữa ăn
- Thay thế nước chấm thông thường bằng loại giảm muối
Nếu dạ dày có vấn đề, bạn cũng nên đi khám và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nguồn tổng hợp: Lao Động, Sức Khỏe & Đời Sống
Đăng ký ngay để được chuyên gia tài chính từ Manulife tư vấn miễn phí!
Đăng ký ngay để được Manulife liên hệ tư vấn miễn phí